Nóng: Phó cục trưởng C50, Bộ Công an chết trong phòng làm việc?

Theo nguồn tin riêng của PV, Đại tá Võ Tuấn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội pham sử dụng công nghệ cao (C50) đã tự vẫn trong tư thế treo cổ.


Theo nguồn tin riêng của Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, sáng sớm nay (4/5/2018), Đại tá Võ Tuấn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội pham sử dụng công nghệ cao (C50), Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã tự vẫn trong tư thế treo cổ tại phòng làm việc (tại trụ sở làm việc Bộ Công an số 47 Phạm Văn Đồng, Hà Nội).
Đại tá Võ Tuấn Dũng, Phó cục trưởng C50
Trước đó, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có loạt bài phản ánh về đường dây đánh bạc ngàn tỷ của cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh và cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa đã bị khởi tố và bắt tạm giam vừa qua.
Trong quá trình cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ điều tra mở rộng vụ án "Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền" xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành, cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng đối với cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng C50 là lãnh đạo trực tiếp của ông Võ Tuấn Dũng.
Ông Nguyễn Thanh Hóa (trái) và ông Phan Sào Nam - nguyên chủ tịch
VTC Online, một trong những người cầm đầu đường dây đánh bạc có liên quan đến ông Hóa - Ảnh: Tư liệu - CAND
Ông Võ Tuấn Dũng là thuộc cấp dưới quyền của cựu tướng Hóa.
Trong những ngày qua, Công an Phú Thọ làm việc với đại tá Dũng liên quan đến đường dây đánh bạc.
Sáng nay, đại tá Dũng lên cơ quan lúc 6h sáng và khoảng 7h thì sự việc trên xảy ra.
Hiện các cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra làm rõ về nguyên nhân cái chết.
Tiếp tục cập nhật...
Tác giả: Đăng Thái
Nguồn tin: Báo Môi trường và Đô thị Việt Nam

Nông dân phá mía để trồng Mì, cẩn trọng không sẽ là Mì đắng!

Niên vụ 2017-2018, nhiều nông dân trồng mía thất thu, trong khi đa số người trồng mì lại trúng đậm nhờ giá mì lên cao. Vì thế gần đây, ở vùng Đông Nam tỉnh, hàng trăm hộ nông dân đã phá mía để trồng mì.
Phá mía, trồng mì
Ông Phạm Văn Ba (buôn Sô Ma Rương, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) vừa phá bỏ 28 ha mía để trồng mì. Đây là diện tích mía không ký hợp đồng nhận đầu tư và bán cho Nhà máy Đường Ayun Pa nên vụ thu hoạch này, Nhà máy từ chối mua mía của ông. “Xót của, tôi chạy vạy ngược xuôi tìm mối bán nhưng cũng chỉ bán cho tư thương được một ít. Giá bán chỉ có 350.000 đồng/tấn mía cây, trong khi công chặt đã mất 250.000 đồng/tấn, trừ chi phí tiền giống, phân bón, công cày đất, làm cỏ… thì lỗ khoảng hơn 10 triệu đồng/ha. Hiện tại, ở vùng Phú Yên và Đông Nam Gia Lai đã bước sang đầu mùa mưa, người dân đang vào vụ trồng mì nên công chặt mía cao và khan hiếm. Vì thế, tôi đành cho người dân tự chặt khoảng 6-7 ha, phần còn lại chặt đốt bỏ để trồng mì”-ông Ba cho hay.
Diện tích mì ở vùng Đông Nam tỉnh tăng mạnh. Ảnh: Đ.P

Theo ông Đỗ Hồng Sơn-Chủ tịch UBND xã Ia Peng, trên địa bàn xã có khoảng 40-50 ha mía không ký hợp đồng nhận đầu tư và bán cho Nhà máy Đường Ayun Pa. Vừa qua, có một số hộ đã tự đốt bỏ diện tích mía của mình, một số bán cho nhà máy khác với giá thấp vớt vát tiền đầu tư, nhưng vì công chặt mía cao và khan hiếm nên nhiều bà con trồng mía chịu lỗ nặng. Nhiều hộ trồng mía có hợp đồng đầu tư thu mua với Nhà máy Đường Ayun Pa nhưng đến nay vẫn chưa được lệnh chặt nên họ rất băn khoăn, lo lắng vì mía đã già, khô trổ cờ làm giảm chữ đường, dẫn đến giảm lợi nhuận. “Vì thế, nhiều hộ trồng mía, nhất là hộ có mía năm 3, năm 4 đang băn khoăn cân nhắc việc phá mía để trồng mì”-ông Sơn cho hay.


Nguy cơ vỡ quy hoạch cơ cấu cây trồng

Niên vụ mía 2017-2018, huyện Phú Thiện có khoảng 1.500 ha mía không có hợp đồng đầu tư, thu mua với Nhà máy Đường Ayun Pa (thuộc Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai). Vì thế, Nhà máy không thu mua. Điều này buộc hàng trăm nông dân đắng lòng chấp nhận phá bỏ mía để chuyển đổi sang cây trồng khác.
Ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện, cho hay, nhiều nông dân chấp nhận phá mía để chuyển sang trồng mì vì trồng mía thua lỗ nặng mà trồng mì lại được mùa, được giá. Hiện tại, giá mì tươi dao động ở mức 3.500 đồng/kg, mì khô là 5.000 đồng/kg. Vụ thu hoạch vừa qua, toàn huyện Phú Thiện có 1.200 ha mì. Nhiều hộ trồng mì trúng đậm từ 25 triệu đồng đến 35 triệu đồng/ha. Hiện tại, dù chưa thống kê được con số cụ thể, tuy nhiên, khả năng mở rộng diện tích mì của địa phương là rất lớn. Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và PTNT cùng các xã, thị trấn vận động người dân thận trọng không phá mía để trồng mì. “Thế nhưng, vì giá cả đầu ra của nông sản bấp bênh, chúng ta không có chính sách căn cơ hỗ trợ nông dân nên rất khó ràng buộc người dân không phá mía để chuyển sang trồng mì”-ông Quý nói
Tương tự, tại huyện Ia Pa, ông Trần Văn Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho hay, vụ thu hoạch vừa qua, huyện có 7.000 ha mì. Hiện tại, bà con đang xuống giống mì vụ tới. Ước tính, khả năng diện tích mì của huyện sẽ tăng lên khoảng 8.500 ha. Trong đó, chủ yếu là diện tích người dân tự chuyển đổi cây trồng, phá rẫy mía để trồng mì (mía ngoài hợp đồng với nhà máy và mía năm 4 kém hiệu quả, mía bị trắng lá trên 60% diện tích…).
“Không ai dám chắc là sang năm mì vẫn giữ được giá cao như năm nay, hay nông dân lại bị cuốn vào vòng xoáy được mùa mất giá, được giá  mất mùa... Vì thế, Huyện ủy, UBND huyện đã tăng cường chỉ đạo ngành chuyên môn và các xã vận động người dân không phá mía để trồng mì và không tăng diện tích mì hiện có bởi trồng mì sẽ gây thoái hóa, làm đất bạc màu; đồng thời ngăn chặn nguy cơ phá rừng, phát rẫy lấy đất trồng mì, tránh phá vỡ quy hoạch cơ cấu cây trồng”-ông Hùng nói.
Trước thực tế giá mía xuống thấp cùng với dự báo kém sáng sủa của ngành mía đường trong tương lai, trong khi giá mì tăng cao đã khiến người nông dân sẵn sàng chấp nhận phiêu lưu phá mía để trồng mì. Về mặt quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô, điều này cho thấy, chính quyền và ngành chuyên môn vẫn chưa có chính sách căn cơ, dài hơi để giúp nông dân ổn định sản xuất, ổn định đầu ra cho nông sản nhằm hướng đến một nền sản xuất bền vững.


Theo Đức Phương - Báo Gia Lai
Nguồn: tổng hợp

Gia Lai: Đang đi đường, nam thanh niên bị ném đá tử vong

Thấy thanh niên chạy xe máy ngang qua, Tường cùng đồng bọn dùng đá ném tới tấp khiến nạn nhân ngã xuống đường, tử vong.
Đối tượng Long Vân Tường
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai cho biết đang tạm giữ đối tượng Long Văn Tường (22 tuổi, quê Gia Lai) để điều tra làm rõ hành vi gây rối trật tự công cộng khiến một người tử vong.
Ttrước đó, vào tối 1.4.2016, Tường cùng đồng bọn ném đá, gây rối trật tự công cộng trên địa bàn thôn Thanh Thượng A (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, Gia Lai). Cùng lúc này, anh Nguyễn Thanh Nam (20 tuổi) chạy xe máy ngang qua bị nhóm Tường ném đá vào người khiến nạn nhân ngã xuống đường, bất động. Anh Nam được đưa đi cấp cứu nhưng tử vong sau đó.
Vào cuộc điều tra, công an đã bắt giữ các đối tượng liên quan, riêng Tường bỏ trốn khhỏi địa phương nên ngày 5.9.2016, Cơ quan điều tra đã truy nã Tường về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Sau gần 2 năm lẩn trốn, cuối tháng 4.2018, Tường đến công an đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Hiện vụ việc đang được công an củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Danviet.vn