TA ĐÀNG HOÀNG THÌ SAO PHẢI SỢ CSGT NÚP LÙM

Đúng quá đy. Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ sợ gì phải núp, có phỏng?

Một câu hỏi ngược lại là: Nếu ta là người đàng hoàng, ta chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông thì việc gì phải sợ "núp"?

Chị biên entry này cho các bạn ném gạch, quăng quả nổ.
Khỏi phải nói, ai cũng biết rõ rằng, nhiệm vụ của CSGT không phải chỉ là đi tìm người vi phạm để bắt và xử phạt, mà còn là hướng dẫn để người dân tham gia giao thông đúng luật, đảm bảo trật tự và an toàn. Ở đây có 2 nội dung mà CSGT phải làm: (1) Hướng dẫn, và (2) xử phạt người vi phạm. Nhưng, ta ít thấy CSGT hướng dẫn, ngoại trừ trường hợp họ đứng múa gậy tại các bục giữa ngã ba, ngã tư đường phố. Sự mất cân bằng giữa hai chức năng này, cần được xem xét và chỉnh sửa.
Một thực tế rất không đẹp, là CSGT núp sau chỗ khuất rồi bất ngờ lao ra, chặn người vi phạm để phạt. Nhưng có một thực tế không đẹp khác, là thái độ của người dân khi tham gia giao thông.

Ai cũng rõ, nghề CSGT là một trong những nghề nguy hiểm và độc hại vào bậc nhất ở Việt Nam. Các anh phải làm việc trong môi trường cực kỳ ô nhiễm bất kể nắng mưa, gió rét và thứ ô nhiễm đáng sợ nhất lại đến từ người dân. Từ cái nhìn hằn học khi bị xử phạt; những lời chửi bới nhục mạ của đám lưu manh; những lời bỉ bôi của báo chí, cho đến những hành động tấn công bằng gậy gộc, đao búa...Tất tần tật, các anh phải hứng chịu. Điều cực đoan mà lãnh đạo CSGT thường đưa ra là, cứ cãi vã, xô xát, không đẹp thì lỗi đầu tiên thuộc về chiến sĩ làm nhiệm vụ. Những "lỗi" kiểu ấy có khi dẫn đến mất nghề vĩnh viễn.

Ấy là chưa kể đến các mối nguy hiểm từ những gã say rượu, những kẻ đang trốn chạy pháp luật, đám hư hỏng ngông cuồng, có thể tước đi tính mạng của các anh bất cứ lúc nào.

Chị nói không ngoa là dân ta ghê gớm lắm. Cứ bị CSGT thổi dừng lại thôi là đã mồm năm miệng mười cãi, cãi lấy được, bất chấp đúng sai. Không cãi được thì gọi điện cầu cứu. Không cầu cứu được thì nổi xung, gây sự. 

Người khác biết mình sai thì xin, không xin được thì lật mặt đòi hối lộ (chung chi), không hối lộ được thì chấp nhận nộp phạt, nhưng về nhà vẫn mang cái ấm ức trong lòng mà thù ghét CSGT.

Nói thật, chị đây cũng bị thổi phạt vì đè vạch, chị nộp phạt, nhưng về nhà ăn cơm mất ngon và cứ nhìn thấy CSGT là ghét...hehe. Chị ghét vì nó động chạm đến đồng tiền bát gạo của gia đình. Nhưng đó là tâm sự rất thật.

Nhiều người bảo rằng, CSGT không được đứng sau gốc cây, chị chẳng hiểu quy trình công tác của các anh ấy như thế nào, nhưng ở những tuyến phố hẹp, nhiều cây thì tại sao lại không được đứng gần gốc cây hưởng bóng mát, nếu vị trí làm việc theo quy định tại đó? Tại sao phố hẹp, lượng người và phương tiện tham gia giao thông đông thì CSGT lại phải đứng dưới lòng đường mà không phải trên hè? Chị tin, đó là câu hỏi không ngu, mà rất thực tế. Không có ai ngu mà đứng dưới lòng đường như thế cả, muốn làm được việc, thì trước tiên anh phải sống sót đã.

Còn nữa, lý do để nhiều trường hợp phải núp không đến từ môi trường công tác, hay khí hậu mà nó đến từ điều tế nhị khác. Không núp thì không bắt được người vi phạm và anh ta sẽ không hoàn thành "chỉ tiêu" công tác. Tất nhiên, câu trả lời này không hoàn toàn đúng bởi nhiều tổ công tác không núp mà vẫn tóm được người vi phạm.

Bây giờ, bạn thử nghĩ đi, nếu đang lưu thông trên đường và đang chạy quá tốc độ, bất chợt bạn nhận ra, phía trước có CSGT đang đứng làm nhiệm vụ. Bạn sẽ làm gì? Chắc chắn bạn sẽ điều chỉnh hành vi bằng cách giảm tốc, đi đúng phần đường...nhằm không bị thổi phạt. Bản tưởng rằng, khi đó bạn không bị phạt ư? Bạn đã nhầm, trường hợp này, CSGT sẽ vẫn thổi phạt vì lỗi chạy quá tốc độ trước đó của bạn. Ở đây sẽ có một câu hỏi dành cho bạn: có phải bạn chỉ chấp hành khi nhìn thấy CSGT hay không, và khi không nhìn thấy họ thì bạn lai vi phạm?

Đừng tự ái khi chị hỏi như thế.

He he, chị không bênh gì CSGT, nhưng trách họ, thì trước tiên hãy tự trách mình đi. Tại sao bạn luôn đòi hỏi CSGT phải thế này thế nọ với bạn, trong khi ý thức chấp hành luật giao thông và thái độ ứng xử với tình huống bị xử phạt của bạn lại cực kỳ tồi tệ?


(còn nữa....)


Chí Phèo@, theo Tre làng

Những ngôi làng ‘5 không‘ ở Gia Lai

Dù đã được đưa đến nơi ở mới theo diện di dời để xây dựng hồ thủy lợi Ayun Hạ, song người dân sinh sống tại những ngôi làng ở xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, lại quay về nơi ở cũ trong rừng sâu.

Từ đó hình thành những ngôi làng “5 không”: không điện, không đường, không trường, không trạm và cũng không có tương lai.

Làng Heg (thuộc xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) hiện có 20 căn nhà với hơn 70 nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số Banar, nằm giữa rừng sâu. Có hai cách để đến được ngôi làng là đi thuyền qua hồ thủy lợi Ayun Hạ hoặc vượt qua quãng đường bộ xuyên rừng gần 10km. Ngôi làng như một lòng chảo nằm giữa ba ngọn núi Cheng Leng, Lờ Pá và N’Nheng. Giữa cái nắng oi ả, những đứa trẻ chụm lại với nhau ăn xoài rừng, xem đó như bữa trưa. Không ai trong số chúng biết chữ, biết nói tiếng phổ thông. Những đứa trẻ này cũng không có giấy khai sinh, không được đi học, tiêm chủng và nhiều dịch vụ xã hội khác.

Tương lai mịt mờ của những đứa trẻ làng Heg khi sinh ra không được hưởng dịch vụ xã hội.

Ông Đinh Jăi, người được cả làng Heg tín nhiệm là trưởng làng cho biết: Làng Heg là nơi “chôn nhau cắt rốn” của đại đa số người dân trong làng. Năm 2000, khi tỉnh Gia Lai có chủ trương xây dựng hồ thủy lợi Ayun Hạ, nguy cơ ngập cao nên tỉnh đã di dời toàn bộ làng trên núi xuống làng Heg theo diện tái định cư. Thế nhưng sau khi hồ thủy lợi Ayun Hạ hoàn thành, ông cùng một số bà con quay lại làng cũ phát hiện ngôi làng không hề bị ngập, cộng thêm việc không đủ đất sản xuất ở nơi ở mới nên đã quyết định quay về làng cũ và tự đặt tên là làng Heg.

Chính vì nằm khá biệt lập, trở ngại trong việc di chuyển nên mỗi khi trong làng có người ốm đau, bệnh tật, việc đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gặp rất nhiều khó khăn. “Ở đây muốn đi chữa bệnh chỉ có cách đi 6 km đến làng T Lâm của huyện Chư Sê, hoặc quay về làng Heg tái định cư cách 8 km, xa hơn nữa là đi về xã Đăk Trôi của huyện Mang Yang cách đây 15 km. Vì xa xôi như vậy nên trong làng cũng đã có trường hợp không thể đưa đến bệnh viện kịp và tử vong trên đường đi”, trưởng làng Đinh Jăi tâm sự.

Cách làng Heg không xa, trên đỉnh núi Cheng Leng có khoảng 20 căn nhà của làng Plei Cheng Leng, nhà ở lâu nhất khoảng 20 năm. Ban ngày, người lớn đi làm rẫy, trong làng chỉ còn lại những đứa trẻ chơi với nhau. Giống như ở làng Heg, những đứa trẻ ở làng Plei Cheng Leng cũng không hề biết chữ, dù có đứa đã 15 tuổi. Nguyên nhân mà những người này rời bỏ làng cũ lên núi Cheng Leng sinh sống chủ yếu vì thiếu đất sản xuất. Dù vậy, cuộc sống ở trên núi cũng khiến họ gặp rất nhiều khó khăn vì điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, các dịch vụ xã hội không có. Không giấy tờ tùy thân hoặc có nhưng đã cũ, rách nát, cũng là thực trạng chung của người dân sinh sống nơi đây. Anh Rmah T’rúi, làng Plei Cheng Leng, cho biết bà con thích ở đây vì ở trong làng cũ không có đất rẫy. “Cuộc sống ở đây khó khăn lắm, cái gì cũng thiếu, mà thiếu nước là khổ nhất. Trồng trọt không có nước, nước uống cũng thiếu, tắm giặt cũng thiếu”, anh Rmah T’rúi kể.

Qua khảo sát sơ bộ, tại làng Plei Cheng Leng có 9 gia đình với hơn 40 nhân khẩu có nguồn gốc từ làng Trớ, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, lên định cư từ năm 2004. Số hộ gia đình khác là người từ các làng quanh vùng, chủ yếu từ huyện Chư Sê lên định cư hoặc làm nương rẫy rồi làm nhà, sinh sống tại đây. Do sống biệt lập tại vùng núi tiếp giáp giữa huyện Chư Sê và Phú Thiện, nên cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn, không điện, không đường, không trường, không trạm, không có hộ khẩu, chứng minh nhân dân và bà con cũng không được hưởng bất kỳ chế độ, chính sách nào.

Ông Phùng Trung Toàn, Chủ tịch UBND xã Chư A Thai cho biết, sau khi nhận được phản ánh, các cơ quan chức năng của xã Chư A Thai cũng như của huyện Phú Thiện đã trực tiếp đến các điểm làng trên núi để rà soát số hộ, số nhân khẩu, qua đó có phương án giải quyết tình trạng trên. Cũng theo ông Toàn, khi đưa đến các làng tái định cư, xã cũng đã cấp đất sản xuất cho người dân nên không có chuyện người dân thiếu đất sản xuất.

“Hiện nay, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản chỉ đạo huyện Phú Thiện và xã Chư A Thai tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng trên theo hướng vận động nhân dân trở về làng tái định cư. Xã đã rà soát và dành quỹ đất riêng để cấp cho các hộ dân sản xuất nông nghiệp trong trường hợp thiếu đất sản xuất. Dù vậy, xã cũng xác định đây là nhiệm vụ khó khăn bởi tập tục của đồng bào dân tộc thiểu số là sinh sống tại các khu vực đồi núi đã quen. Tuy nhiên, chính quyền xã cũng quyết tâm để vận động bà con trở về, để người dân, đặc biệt là trẻ em ở hai ngôi làng này được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách xã hội”, ông Toàn nhấn mạnh.
Tỉnh Gia Lai đã có chủ trương vận động người dân sinh sống tại hai làng Heg và Plei Cheng Leng quay về làng tái định cư và cấp đất sản xuất. Đây lại là bài toán khó cho tỉnh Gia Lai nói chung và huyện Phú Thiện, xã Chư A Thai nói riêng, bởi rất khó để những người dân vốn đã quen với việc sinh sống và canh tác trên núi trở về. Trưởng làng Heg Đinh Jăi tâm sự: “Đây là nơi chôn nhau cắt rốn của chúng tôi, nếu không bị ngập bởi hồ thủy lợi Ayun Hạ, chúng tôi quyết tâm bám trụ lại mảnh đất này, dù cuộc sống nhiều khó khăn”.

Theo tin gia lai

Xử lý nghiêm hiện tượng “loạn ngôn” trên mạng xã hội

Mặc dù đã có những quy định chặt chẽ để xử lý hành vi lợi dụng mạng xã hội xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của tổ chức, cá nhân, nhưng một số cá nhân do thiếu hiểu biết hoặc bị kích động vẫn cố tình “nhờn luật”.

“Nhờn luật” không chỉ vì thiếu hiểu biết

Thời gian gần đây, theo phản ảnh của bạn đọc đến Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành (TP Hồ Chí Minh), Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh thường xuyên đăng tải trên facebook cá nhân một số nội dung xúc phạm lãnh đạo cấp cao và ảnh hưởng đến đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Những nội dung ông này viết hết sức thô thiển, khiến người đọc bất bình, không nghĩ đây là những bài viết của một quan chức Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh. Sau khi nhận được thông tin bạn đọc phản ảnh, phóng viên đã liên hệ và ông Nguyễn Văn Đực thừa nhận mình là chủ nhân trang facebook có đăng tải các nội dung trên và đã gỡ bỏ một số nội dung đăng tải. Tuy nhiên, ông Đực cho biết vẫn “bảo lưu” nhiều bài viết và chưa xử lý hết những thông tin có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Nguyễn Duy Sơn bị khởi tố, bắt tạm giam vì sử dụng mạng xã hội vi phạm Điều 331 Bộ luật Hình sự. Ảnh do Công an tỉnh Thanh Hóa cung cấp.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết: “Việc ông Đực thường xuyên đăng tải thông tin trên trang cá nhân có nội dung nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hiệp hội cũng đã nắm được. Trong hai năm (2016, 2017) hiệp hội đã có văn bản cảnh cáo, nhưng ông Đực vẫn cố tình tái phạm”.
Chiều 8-5 vừa qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Duy Sơn, sinh năm 1981, ở TP Sầm Sơn, cựu cán bộ quản lý học sinh, sinh viên của Trường dự bị Đại học Sầm Sơn về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự. Theo kết quả điều tra, từ tháng 12-2017 đến tháng 3-2018, Nguyễn Duy Sơn trực tiếp tạo lập, sử dụng tài khoản facebook, vào các trang mạng xã hội khác lấy thông tin liên quan đến những vấn đề về tham nhũng và tiêu cực, sau đó xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước và các đồng chí lãnh đạo rồi đăng tải, chia sẻ công khai trên facebook của mình kèm theo lời bình luận, hình ảnh minh họa, dẫn chứng không có thật, không có căn cứ; mục đích là hạ uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và địa phương. Kết cục với Sơn là bài học đắt giá cho những người cố tình vi phạm pháp luật khi sử dụng mạng xã hội.
Đầu tháng 2-2018, TAND TP Hồ Chí Minh cũng đã xét xử và tuyên phạt Hồ Văn Hải (54 tuổi, bác sĩ Phòng khám đa khoa Á Châu) 4 năm tù về tội Tuyên truyền chống Nhà nước cộng hòa XHCN Việt Nam. Cơ quan chức năng đã xác định, trong số 75 bài viết đăng tải trên mạng và tàng trữ trong máy tính của Hải, có 36 bài vi phạm Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

Xử lý nghiêm để không nhờn luật

Có khá nhiều trường hợp vi phạm do chủ quan, đơn giản, thiếu hiểu biết pháp luật. Tháng 11-2017, Công an TP Vũng Tàu lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với Nguyễn Trọng Tuấn (26 tuổi, quê ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) về hành vi xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Trước đó, Tuấn bị một phụ nữ trú tại tỉnh Bình Thuận tố cáo tài khoản facebook mang tên “Nguyễn Tuấn” đã có những bình luận xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của mình. Khi bị cơ quan công an xử phạt, chính Tuấn cũng ngỡ ngàng vì nghĩ rằng chỉ comment thì sẽ không bị cơ quan pháp luật “sờ gáy”.

Hiến pháp 2013, tại Khoản 1, Điều 20 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Pháp luật nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Tùy theo mức độ vi phạm, tính chất của hành vi mà người vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay việc lợi dụng mạng xã hội để tán phát thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức có xu hướng gia tăng. Khá nhiều trường hợp người vi phạm không chỉ do thiếu hiểu biết pháp luật mà còn do chủ quan, đơn giản nghĩ rằng sẽ không bị xử lý nên “nhờn luật”. Do vậy, việc xử lý nghiêm minh như trường hợp Nguyễn Trọng Tuấn nêu trên và một số vụ việc bị khởi tố hình sự gần đây là hết sức cần thiết.

Theo NGUYÊN MINH/Báo QĐND