Chỉ vì vay vốn sản xuất, vay gạo ăn chờ đến vụ thu hoạch, không ít gia đình rơi vào cảnh khốn cùng khi bị siết bò, lừa mất đất sản xuất.
Khó xử lý
Trong những ngày tìm hiểu vì sao “tín dụng đen” lại “có đất sống” ở vùng người dân đồng bào DTTS, có thể xem lý giải của ông Nay Nguyên – Trưởng buôn HNgôm (xã Chư Đrăng, H. Krông Pa) để rõ căn nguyên. Ông Nguyên nhận định: “Bà con mình hầu hết không biết chữ, không rành sổ sách, chủ nợ ghi nợ bao nhiêu thì họ đành chấp nhận. Trên địa bàn xã từ năm 2013 đến nay, rất nhiều người dân tìm đến các cá nhân cho vay để vay tiền, gạo, phân bón rồi cả chi phí ốm đau. Từ năm này sang năm khác dẫn đến không trả nổi. Chưa kể có khi còn bị tính lãi suất gấp đôi. Nhiều gia đình bị siết cả đất sản xuất bởi một phần mùa màng thất bát, phần nữa do lãi suất cao, cứ thế lãi chồng lãi!”.
Còn ông Nay Hem – Chủ tịch UBND xã Chư Đrăng cho rằng: “Khi gặp khó khăn mà đến thời điểm vào vụ trồng trọt, bà con đành nợ tiền cày nên ứng phân bón của chủ đầu tư. Sau khi thu hoạch vụ mùa xong họ trừ hết, chủ hộ không còn gì nữa, xem như trắng tay. Sang năm thứ 2, từ khi thu hoạch đến vụ mùa họ lại tiếp tục đi vay gạo, phân bón, lấy tiền chữa bệnh… Sau 3 đến 4 năm, số tiền gốc lẫn lãi cứ thế nhân lên, họ không còn khả năng trả nợ, bị chủ đầu tư lấy đất hoặc tài sản khác”.
Một thực tế thấy rằng, các hộ vay tiền, hàng hóa đều tự nguyện tìm đến chủ nợ, việc vay mượn chủ yếu tự thỏa thuận với nhau. Thế nên, việc ngăn chặn “cơn bão tín dụng đen” là rất khó khăn. “Làn sóng ngầm này đang tàn phá khắp các buôn làng. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề dân sự nên hiện chính quyền chưa có biện pháp gì xử lý mà chủ yếu làm công tác tuyên truyền là chính. Đến nay, cũng chưa có vụ tranh chấp, khiếu kiện hay tố cáo liên quan đến vấn đề này” – ông Tạ Chí Khanh – Phó Chủ tịch UBND H. Krông Pa lý giải.
Trên địa bàn H. Ia Pa (Gia Lai) tình trạng vay “tín dụng đen” trở thành nỗi lo của cấp chính quyền địa phương. Trước tình hình trên, UBND H. Ia Pa đã chỉ đạo cho các xã đến tận làng rà soát, thống kê các hộ nghèo, cận nghèo đang vay “tín dụng đen” và giao CA xác minh các thông tin liên quan. Tuy nhiên, qua xem xét từ thực tế, ông Hoàng Văn Tư – Chánh Văn phòng UBND H. Ia Pa cho biết những khó khăn: “Đây thực sự là vấn nạn, là bệnh gần như không có thuốc chữa. Người cho vay thì khôn khéo, còn người dân đi vay thì chẳng bao giờ tố cáo, việc thu thập chứng cứ rất khó khăn do chuyện vay mượn chủ yếu thỏa thuận bằng miệng, không có giấy tờ. Tuyên truyền thì người dân không nghe, xử lý hình sự không được. Thực tế này tồn tại từ nhiều năm trước và đến giờ thì càng trầm trọng hơn”.
Ông Nay Nguyên – Trưởng buôn Hngôm (xã Chư Đrăng): “Hầu hết người dân không biết chữ, chủ đầu tư ghi nợ bao nhiêu thì họ đành chấp nhận bấy nhiêu”. |
Cần vào cuộc quyết liệt
Để giải quyết trước mắt vấn đề “tín dụng đen” trên địa bàn, UBND H. Ia Pa cũng đã giao cho các đơn vị chức năng rà soát lại con số cụ thể về tình trạng cho vay nặng lãi. Đồng thời, Chủ tịch UBND H. Ia Pa đã yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin sâu rộng đến nhân dân về phương thức, thủ đoạn, hành vi lừa đảo, cho vay nặng lãi và các hành vi trái pháp luật nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác để người dân cảnh giác; không để các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để cho vay với lãi suất cao. Đặc biệt, Chủ tịch UBND H. Ia Pa giao CAH phối hợp với CATX Ayun Pa (Gia Lai, giáp ranh với H. Ia Pa) gọi hỏi, răn đe các đối tượng cư trú trên địa bàn TX Ayun Pa có cho các hộ dân tại H. Ia Pa vay tiền.
Tuy nhiên, một điều có thể thấy, đa số những hộ vay vốn đều là hộ nghèo và cận nghèo phải đi vay từ nguồn “tín dụng đen” của các chủ nợ. Chưa kể, một số bộ phận người đồng bào DTTS còn chưa ý thức tiết kiệm, chi tiêu chưa hợp lý, các tập tục lạc hậu, lãng phí ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống người dân. Và cứ thế, cái nghèo mãi đeo bám bởi “lãi mẹ đẻ lãi con” và nợ cứ chồng nợ. Cuộc sống ngày càng rơi vào túng quẫn và tài sản gắn bó với nguồn sống, nguồn thu nhập của người dân, như đất đai, trâu bò… đều phải gán để trả nợ.
Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai, qua 15 năm hoạt động đã triển khai cho vay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho gần 132.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn vượt qua ngưỡng nghèo, giúp gần 11.000 hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn xây dựng nhà ở, xây dựng được hơn 106.116 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giúp 74.897 hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn có vốn để đầu tư vào SXKD, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Từ đó, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, TTATXH và thúc đẩy phát triển kinh tế ở nông thôn, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn.
Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai về tăng cường công tác quản lý, chủ động phòng ngừa trong hoạt động tín dụng đen và kinh doanh cầm đồ trên địa bàn, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Gia Lai tiếp tục tranh thủ nguồn vốn T.Ư, nguồn vốn địa phương, phối hợp các hội đoàn thể tập trung rà soát đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn để mở rộng cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ vay. Đi đôi với đó là tăng cường tuyên truyền về các chương trình tín dụng chính sách đến với người dân, phối hợp với các ngành, các hội, đoàn thể làm tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn hộ vay làm ăn, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Liên quan đến vấn đề “tín dụng đen” trên địa bàn, đặc biệt là ở vùng đồng bào DTTS, CA tỉnh Gia Lai cũng đã chỉ đạo lực lượng CA các địa phương rà soát và báo cáo tình hình. Qua đó, nhằm có biện pháp hạn chế, ngăn chặn những kiểu cho vay biến tướng gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền chức năng tỉnh Gia Lai cần vào cuộc quyết liệt, can thiệp kịp thời mới chấm dứt được nạn “tín dụng đen” đang ngày ngày tàn phá các buôn làng, biến người nghèo ngày càng nghèo thêm.
Theo Baomoi.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét