Hàng ngàn người Việt Nam lao động bất hợp pháp ở Thái Lan đối diện với nguy cơ bị phạt nặng hoặc trục xuất về nước trước các đợt truy quét theo luật nghiêm ngặt của chính quyền nước này đối với lao động bất hợp pháp.
Chính phủ Thái Lan cho biết ngày 31 tháng 3 năm 2018 là hạn chót cho việc đăng ký hợp pháp hóa những lao động nhập cư trái phép và không muốn gia hạn thêm thời gian đăng ký cho người làm việc không giấy tờ nữa.
Lao động bất hợp pháp tại Thái Lan (nguồn Internet) |
Truyền thông Thái Lan trích dẫn lời cảnh báo của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha yêu cầu những người nước ngoài chưa có giấy phép lao động và thị thực cư trú hãy trở về nước, nếu không sẽ đối mặt với hành động pháp lý nghiêm khắc.
VƯỚNG MẮC PHÁP LÝ
Theo thông tin từ Bộ Lao động Thái Lan, hiện cơ quan này chỉ cấp phép cho lao động mang quốc tịch Việt Nam hoạt động trong hai ngành là đánh bắt cá và xây dựng. Các ngành khác hai nước chưa có thỏa thuận chính thức. Chính vì vậy, trong đợt đăng ký làm việc này, phía Thái Lan cũng chỉ thúc đẩy cấp phép hoạt động cho các lao động Việt Nam ở hai ngành nghề vừa nêu.
Anh Cao Lâm – làm việc trong Hiệp Hội Người Công Giáo Việt Nam tại Thái Lan, người am hiểu nhiều về đời sống công nhân Việt tại xứ Chùa Vàng nói anh được biết chỉ khoảng vài chục người được công nhận tư cách pháp lý để tiếp tục ở lại làm việc. Còn hàng ngàn người khác thì không đăng ký được.Trao đổi với RFA nhiều người lao động bất hợp pháp tại Thái Lan nói rằng họ không nằm trong diện được phép đăng ký.
Anh Cao Lâm nói: “Đa phần người Việt Nam qua đây làm ăn kinh doanh, bán hàng, may mặc, du lịch và các nghề tự do. Mà luật lao động Thái Lan chỉ cấp phép cho hai ngành đánh bắt cá và xây dựng. Trên thực tế, hai ngành này lao động Việt Nam không ưa chuộng, có mấy ai làm đâu, vì thu nhập rất thấp mà đăng ký thì cần nhiều thủ tục rườm rà.”
Một thực tế của những người Việt chọn đất Thái để mưu sinh là vì đời sống tốt hơn, mức thu nhập cao hơn Việt Nam và người Thái thân thiện không kỳ thị người nước ngoài. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của những người tha phương cầu thực là không có địa vị pháp lý. Đa phần họ là những người nhập cư trái phép, đi du lịch rồi ở lại quá hạn visa, hoặc lao động trốn ra ngoài khi hết hợp đồng lao động.
Chị Nguyễn Ngọc Lan (tên nhân vật đã được thay đổi) – một nhân viên bán hàng quần áo ở một cửa hàng thời trang nhỏ tại Bangkok nói “Em đã nhiều lần muốn hợp pháp hóa tình trạng nhập cư của mình. Chứ có ai muốn sống trong tình trạng thấp thỏm có thể bị đuổi về bất kỳ lúc nào đâu. Nhưng cơ quan đăng ký đòi rất nhiều giấy tờ chứng minh nhân thân. Mà chủ quán cũng không dám bảo lãnh cho mình vì rất nhiều rắc rối có thể đến.”
“TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN”
Giới chủ lao động sử dụng lao động nước ngoài như Việt Nam chủ yếu để giảm chi phí nhân công và bù đắp vào những ngành mà người bản địa không muốn làm. Trước áp lực buộc đăng ký lao động, nhiều xưởng sản xuất thủ công đã lâm vào tình trạng thiếu nhân công trầm trọng do lao động nghỉ việc hoặc rời bỏ Thái Lan.
Bộ Lao động Thái Lan thông báo sẽ trừng phạt nghiêm khắc việc môi giới và sử dụng lao động bất hợp pháp, đồng thời cảnh báo các doanh nghiệp thuê người nước ngoài làm việc không giấy tờ có thể đối mặt với tội danh buôn người. Mức phạt cho chủ thuê và môi giới lao động có thể bị phạt từ 600.000 đến 1 triệu baht (tương đương khoảng 17.000 - 29.000 USD). Lý do khác mà các doanh nghiệp lo ngại khi thuê lao động nước ngoài còn là vấn đề đóng thuế và các chi phí an sinh xã hội cho những lao động này cao.
“Lao động tự do muốn đăng ký phải có người chủ sở hữu lao động. Và đã nhận lao động nước ngoài thì cũng vướng nhiều quy định pháp luật hơn so với người bản xứ. Mà nhận lao động “chui” thì giá rẻ hơn nhưng lại dễ bị cảnh sát chú ý. Phải nói thẳng ra là chính quyền Thái cũng không muốn có nhiều người lao động Việt trên đất Thái vì nhiều lý do, thế nên trên danh nghĩa thì nói là cho phép làm việc nhưng trong thực tế thì để lách qua được khe hở đó là rất khó.”Một người chủ doanh nghiệp người Việt sinh sống lâu năm tại Thái Lan cũng chia sẻ trong tình trạng ẩn danh về sự khó khăn khi tiếp nhận lao động Việt Nam là khi công nhân “nhảy việc” ra ngoài thì chủ cũng bị liên đới trách nhiệm.
Trong các chiến dịch truy quét gần đây, nhiều người Việt đã bị bắt giữ và nộp phạt. Một lao động bất hợp pháp có thể bị nộp một khoản tiền phạt lên tới 3.000 USD và chịu mức án 5 năm tù giam.
“Hiện nay nhiều người đã bị bắt. Vừa rồi gần chỗ tôi ở đây công an họ bắt một xe khoảng tầm 50 người. Nghe thông tin thì họ sẽ truy quét thêm nhiều lần nữa. Khi gặp truy quét thì họ trốn chui trốn lủi, sau các đợt truy quét thì lại ra làm việc. Duy trì cuộc sống mưu sinh chứ bây giờ về nhà thì họ lấy gì mà ăn. Điều kiện mưu sinh bắt buộc họ phải trốn chui trốn nhủi vậy thôi”, một người Việt tỵ nạn tại Thái Lan cho biết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét