50 năm Mỹ Lai: Sám hối và ước vọng hòa bình

Việt Nam đánh dấu 50 cuộc thảm sát Mỹ Lai ngày 16/3 bằng lễ tưởng niệm nạn nhân có sự tham dự của những người sống sót, gia đình họ và khoảng 60 cựu binh và nhà phản chiến Mỹ tại Quảng Ngãi.
Báo chí Việt Nam và quốc tế ngày 16/3 tràn ngập các bài viết kèm hình ảnh, tư liệu về vụ thảm sát Mỹ Lai, lời kể của nhân chứng, và lời 'sám hối' của các cựu binh.
Reuters nói đây là tội ác chiến tranh tồi tệ nhất của Hoa Kỳ được ghi lại tại Việt Nam, nhưng buổi tưởng niệm tại nơi xảy ra thảm sát, nay là một đài kỷ niệm nạn nhân Mỹ Lai, diễn ra tương đối lặng lẽ trong mối quan hệ đang ấm lên giữa Washington và Hà Nội.
Báo Tuổi Trẻ cho hay cựu binh Mỹ tên Billy Kelly mang 504 đóa hoa hồng viếng vong linh 504 thường dân vô tội. Những người Mỹ khác mang theo hoa sen.
Quân đội Mỹ đã giết chết 504 người Việt Nam vào ngày 16/3/1968 tại làng Sơn Mỹ miền trung Việt Nam, nơi nằm giữa bờ biển và những dãy núi chìm trong sương mù.
thảm sát Mỹ Lai (nguồn Internet)

'Hồi tưởng' và 'cay đắng'
Những người sống sót hồi tưởng về bóng tối và im lặng bao trùm hàng giờ sau vụ thảm sát, khi họ cố gắng chôn những xác chết trong nỗi sợ hãi lính Mỹ sẽ quay lại tấn công.
Nhân chứng Võ Thị Thuận nói với Reuters rằng mỗi đêm nghe tiếng mèo kêu bà thường không ngủ được vì liên tưởng tiếng những đứa trẻ bị giết đang kêu khóc.
Phụ nữ và trẻ em là nạn nhân chính trong vụ thảm sát này (nguồn Internet).
Bà Thuận từng chứng kiến 170 người xóm giềng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, bị lính Mỹ giết hại ngày 16/3/1968.
Ông Phạm Thành Công - nguyên giám đốc Ban Quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ, người mất mẹ, chị gái và em trai trong cuộc thảm sát Mỹ Lai khi ông mới 11 tuổi, thì không thể nhớ rõ những gì đã diễn ra.
Nhiều năm qua, ông đã 'cống hiến cuộc đời mình để giữ lại ký ức về một trong những tội ác man rợ nhất trong chiến tranh', theo AFP.
Tuy thế, ông vẫn có vẻ 'ngập ngừng' khi hồi tưởng lại quá khứ đen tối đó và nói rằng ông bị 'ám ảnh bởi những hình ảnh bạo lực đẫm máu mà lính Mỹ gây ra tại Mỹ Lai', AFP mô tả.
"Mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn không thể ngủ được. Ký ức cứ quay trở lại. Nỗi đau, nỗi mất mát của tôi và gia đình... khiến tôi đau lòng", ông Công nói.
Một số người bày tỏ sự cay đắng về đời sống sau chiến tranh.
"Gia đình tôi rất khó khăn," ông Nguyễn Ngọc Long, người chứng kiến họ hàng bị giết tại thảm sát Mỹ Lai khi ông mới lên hai, nói với AFP.
Reuters đều lưu ý rằng lễ tưởng niệm này diễn ra chỉ một tuần sau chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đến thành phố cảng Đà Nẵng, bằng chứng về mối quan hệ ấm lên giữa những 'kẻ thù cũ'.
"Sau hòa bình, người dân Sơn Mỹ vượt qua nỗi đau để tha thứ và chân thành chào đón các cựu binh Mỹ trở về đây như một nơi để đối mặt với sự thật, đối mặt với bản thân và tìm thấy bình an", ông Đặng Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Ngãi, cho Reuters biết tại buổi tưởng niệm.
Sau một phút mặc niệm, những người tham dự đặt hoa tại tượng đài mô phỏng một người phụ nữ đang ẵm một đứa trẻ lả đi trong tay.
"Một nhóm các binh Mỹ cũng tham dự buổi lễ, một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã tiến xa thế nào, những kẻ thù trước đây giờ là có mối quan hệ đồng minh ấm áp hơn", theo AFP.
Theo Reuters, các cựu binh và phản chiến Hoa Kỳ cho biết đang chuẩn bị gửi một lá thư, thay mặt cho chính phủ Hoa Kỳ, xin lỗi đã gây ra cuộc tàn sát.
"Chỉ trong một thời gian ngắn đã có hơn 600 người ký vào lá thư," Chuck Searcy, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh vì Hòa bình nói.
"Bức thư thể hiện sự hối tiếc và đau buồn của người Mỹ và trách nhiệm chung của chúng tôi đối với những gì đã xảy ra ở đây," ông nói.
Ông Phạm Thành Công nói ông không thể quên hành động tàn ác nhưng sẵn sàng tha thứ cho những người lính để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Pơtao Apui/ theo BBC tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét